TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Định Mệnh Phũ Phàng!

Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ký

      Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà trời ban cho kiếp nghèo muôn thuở! Dù gia đình cha mẹ tôi nghèo, nhưng tôi vẫn được ba mẹ cho đi học giống như những đứa bạn cùng lứa tuổi. Đến ngày xảy ra biến cố 30/4/1975, tôi đang học lớp 7 ở một Trường Trung Học Công Lập thị xã Vũng Tàu. Ngày đó, như một tai họa đến chung cho toàn dân Miền Nam, nhất là những gia đình có người thân phục vụ cho chính nghĩa Việt Nam Cộng Hòa: Thiếu ăn, thiếu mặc!  Gia đình tôi cũng nằm trong hệ lụy bị chính quyền Cách Mạng phân biệt và ngược đãi, bởi vì ba tôi bị chính quyền xếp vào diện: Quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vì vậy, sinh kế gia đình gặp nhiều khó khăn nên tôi đành phải nghỉ học, phải rời bỏ ngôi trường thân yêu và những bạn bè thân thích cùng với thầy cô quí mến dưới mái trường trong những năm tháng chất chồng kỷ niệm một thời tuổi thư sinh áo trắng!.
      Đến đầu năm 1976, gia cảnh lâm vào túng thiếu, lắm khi không đủ tiền mua gạo nấu bửa cơm tối cho gia đình ăn! Thế là ba tôi quyết định đùm bọc vợ con về quê ngoại ở Phước Tỉnh sống tá túc với ông bà ngoại. Thời gian nầy tôi phải chạy “Xe đạp ôm” để kiếm thêm tiền cho bố mẹ mua gạo ăn qua ngày đoạn tháng, còn ba tôi thì đi làm công cho ghe lưới cá của ông anh họ bên nội tôi. Cuộc sống như thế của gia đình trôi đi êm đềm và thầm lặng! Tuy làm việc cực khổ nhưng gia đình chúng tôi sống rất hạnh phúc và ấm cúng, nhất là những ngày ba tôi trở về nhà sau những tuần lễ hải hành đánh cá trên biển. Những hôm ba tôi đi biển về, gia đình có bửa ăn đầy đủ với cá tôm thịnh soạn mà thời bấy giờ dân chúng Việt Nam xếp những bửa ăn như thế vào loại: “Bửa ăn cao cấp”!.
       Những ngày tháng nầy là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi! Một thứ hạnh phúc đơn sơ nhưng chan chứa chuỗi dài kỷ niệm ấu thơ trong ký ức! Nhưng rồi tai họa chợt đến với gia đình: Ba tôi rời bỏ quê hương trên chuyến tàu vượt biển định mệnh do anh họ của ba tôi tổ chức!
      Đó là ngày đầu tháng ba năm 1978, như lệ thường sau những ngày hải hành đánh cá trên biển, ba tôi về lại đất liền và gia đình sum họp đầm ấm bên trong căn nhà nhỏ với bửa ăn vui vẻ tràn đầy hạnh phúc. Nhưng lần nầy ba tôi ngồi ăn mà khuôn mặt hiện lên nét buồn sâu kín! Ăn cơm xong, ba tôi kề tai nói nhỏ gì đó với mẹ tôi rồi hai người đi vào phòng ngủ đóng nhẹ cửa lại. Tôi thấy cử chỉ của ba mẹ tôi khác thường nên đi theo sau và đưa mắt nhìn lén qua kẻ hở của cánh cửa phòng, quan sát. Ba nói nhỏ với mẹ:
- Anh báo cho mẹ thằng Truyền một tin là anh Năm chủ ghe tổ chức “Vượt Biển”!
      Mẹ tôi vừa nghe ba nói, sửng sốt hỏi:
- Chừng nào ra đi?
- Đầu tháng sau!
       Mẹ tôi không hỏi tiếp, cúi mặt suy nghĩ. Ba tôi lấy tay vuốt tóc người vợ hiền rồi nói:
- Nhưng vì giữ bí mật nên anh Năm chỉ cho một mình anh đi theo gia đình của anh ấy mà thôi! Anh có xin anh Năm cho thằng Truyền đi theo với anh, nhưng bác Năm nó đã từ chối vì số người trên ghe hạn chế...
      Mẹ tôi vẫn cúi mặt lặng thinh! Rồi một lúc sau mẹ tôi ngước nhìn ba tôi trong đôi mắt rưng lệ:
- Anh quyết định sao? Bỏ lại em và hai con hả?
- Anh chưa quyết định được! Anh cho em quyền quyết định.
      Mẹ tôi thở dài, khẻ đáp:
- Thôi! Anh làm chồng, em dành cho anh quyền quyết định... Nhưng đây cũng là cơ hội để anh vượt thoát khỏi Việt Nam. Thời buổi bây giờ người ta bỏ ra hằng chục cây vàng mà chưa được đi “Vượt biển”, dịp may đã đến thì anh nên nắm lấy cơ hội.
      Ba tôi thở dài:
- Anh bận tâm cho đời sống của mẹ con em ở lại quê nhà!
- Em sẽ cố gắng chịu đựng gian khổ, chờ anh...
      Ba tôi nhìn vợ với ánh mắt thương xót:
- Anh thử hỏi mượn anh Năm một ít tiền để lại nhà cho em sinh sống tạm qua ngày tháng, khi không có anh bên cạnh...
      Hai người lặng thinh không nói một lúc lâu. Đoạn ba tôi choàng tay qua vai mẹ tôi, đôi mắt rưng lệ. Trên khuôn mặt sạm nắng, hằn nỗi gian khổ của ngày tháng làm ngư phủ biển cả, có những giọt lệ khẻ lăn dài! Mẹ tôi đứng dậy lấy chiếc khăn trên móc tường, lau khô những dòng lệ trên má của chồng rồi nói nhỏ:
- Đừng để hai con mình nhìn thấy anh khóc, tụi nó buồn lo!...
- Anh hiểu!
      Chiều hôm sau, theo như dự tính bàn với mẹ tôi đêm qua, ba tôi đến nhà bác Năm hỏi mượn tiền để lại nhà cho mẹ con chúng tôi tiêu xài. Ba tôi đến nhà bác Năm cả một buổi chiều, mãi khi trời chạng vạng tối mới trở về nhà. Vừa vào nhà ba tôi kề tai nói nhỏ với mẹ rồi hai người vào phòng ngủ bàn chuyện. Tôi rón rén đến bên khe hở cửa buồng ngủ, lén nhìn và nghe câu chuyện của hai người bàn tính. Ba tôi móc trong túi quần ra gói nhỏ bao bọc bằng chiếc khăn tay, người khẻ nói:
- Anh năn nỉ lắm mới được anh Năm cho mượn một lượng vàng! Khi anh rời xa quê hương và đến được bến bờ tự do thì em bán lượng vàng nầy mua cho thằng Truyền chiếc xe honda để nó chạy “xe ôm” kiếm tiền cho gia đình sinh sống, chờ anh bảo lảnh ba mẹ con đi đoàn tụ...
      Nghe ba tôi dặn dò, mẹ tôi không trả lời mà chỉ gật đầu nhẹ, đôi mắt u buồn quay sang nhìn ba tôi rồi ngó ra bên ngoài suy nghĩ. Hình như mẹ có linh cảm những điều không lành xảy đến cho chuyến vượt biển của ba tôi, mẹ thở dài:
- Ba thằng Truyền ơi! Sao lòng em cảm thấy bất an cho chuyến đi vượt biển nầy cûa anh!.
- Em đừng suy nghĩ vẩn vơ!
      Buổi chiều của ngày đầu tháng ba năm 1978, khi nắng còn le lói phương tây như luyến tiếc ngày tàn, bầu trời chưa chịu đưa chiều vào tối! Những lần đi biển theo lệ thường đánh cá, ba tôi tay xách chiếc giỏ đệm đựng áo quần, đến hôn tôi và đứa em rồi mới bước ra khỏi nhà. Mỗi lần ra đi ba tôi hay đưa tay vẩy chào mẹ tôi và nói lời tạm biệt với gia đình, hẹn gặp lại sau khi xong chuyến hải hành đánh bắt cá ngoài khơi. Nhưng lần ra đi nầy, ba tôi có vẻ buồn bã, bước ra khỏi nhà mà không có vẫy tay chào mẹ như mọi lần. Thêm nữa, vì tôi đã nghe lén ba và mẹ tôi bàn về chuyến đi rời bỏ quê hương của ba, nên tôi cũng có phần lo lắng cho ba tôi! Trên đường đạp xe chở ba đến nhà bác Năm mà trong lòng dâng lên niềm lo âu và có linh cảm điều gì không lành xảy đến! Tôi dừng xe trước nhà bác Năm cho ba xuống. Ba tôi không nói với tôi một lời từ giã, cúi đầu bước đi vào nhà. Ba không ngoái mặt lại nhìn tôi vì sợ làm lưu luyến cuộc chia ly. Tôi nhìn theo ba cho đến khi người đã bước hẳn vào nhà bác Năm. Hình như ba tôi đã khóc vì tôi thấy người lấy tay kéo vạt áo lên lau khô dòng lệ. Tôi lẳng lặng đạp xe trở về nhà!
      Đêm nay, trong căn nhà nhỏ tọa lạc nơi cuối xóm biển, ba mẹ con ngồi trong phòng dưới ngọn đèn dầu heo hắt. Riêng mẹ tôi, trên khuôn mặt hiện lên nỗi lo lắng cho ba tôi ra đi được an toàn hay không! Ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng yếu ớt không làm đủ sáng căn nhà, tạo nên những bóng tối chập chờn ẩn hiện. Ngoài song cửa những tàu lá chuối lao xao khi cơn gió nhẹ thổi qua. Thằng Đạt em tôi còn nhỏ dại nên không biết việc gì đã xảy ra, vẫn vô tư đến ôm mẹ tôi thỏ thẻ nói:
- Mai mốt ba đi biển trở về thì mẹ xin tiền ba mua cho con chiếc quần Jean màu xanh đậm, giống như chiếc quần của thằng Cường cạnh nhà mình.?
      Mẹ tôi buồn bả cúi mặt không trả lời, nó hỏi tiếp:
- Sao mẹ buồn vậy? Con xin lỗi đã làm cho mẹ buồn! Con không đòi mẹ mua quần Jean nữa đâu!
- Con không có lỗi! Trời tối rồi, ngủ sớm con yêu của mẹ!
      Thằng Đạt vâng lời mẹ tôi, đứng dậy đi vào phòng. Bên ngoài trời tối đen như mực! Đêm vắng lặng và chìm sâu vào bóng tối thăm thẳm, bao trùm một vùng bầu trời trên biển mênh mông không thấy bến bờ, chỉ còn nghe tiếng rì rào sóng vổ xa xa từ hướng nhà bác Năm, nơi mà chiếc ghe ba tôi sắp sửa rời bến chở theo đoàn người đi tìm tự do cuộc sống. Tôi đang thầm cầu nguyện trong lòng cho ba tôi và mọi người ra đi được bình yên, không bị công an bắt nhốt tù. Mẹ tôi vẫn ngồi thừ trên chiếc ghế mây xiêu vẹo, đôi mắt cũng nhìn ra ngoài suy nghĩ và chắc trong lòng của mẹ cũng đang cầu nguyện giống như tôi! Đoạn mẹ quay người lại nhìn tôi, định nói một điều gì, nhưng mẹ tôi dừng lại. Tôi đứng dậy đến ngồi xuống bên cạnh, chia sẻ những lo âu với mẹ tôi:
- Mẹ! Đừng lo lắng! Ba và mọi người có Trời phù hộ, chắc họ sẽ được bình yên...
      Nghe tôi nói, mẹ ngạc nhiên nhìn tôi:
- Sao con biết ba của con “vượt biển”.?
- Hồi chiều nầy mẹ và ba bàn chuyện trong phòng, con đã nghe lén. Xin lỗi mẹ!
      Bà đưa tay vuốt đầu tôi tỏ yêu thương và trìu mến, mẹ tôi tâm sự:
- Vì hoàn cảnh nên ba con mới đành lòng bỏ lại 3 mẹ con mình! Vì bác Năm chỉ cho một mình ba con đi theo ghe của bác mà thôi!
- Con đã thấu hiểu hoàn cảnh gia đình mình mẹ ạ!
        Tôi và mẹ đang nói chuyện, bổng nghe những tiếng súng từ xa vọng lại, làm ngưng câu chuyện của chúng tôi. Hai mẹ con vụt đứng dậy bước vội vàng ra cửa nhìn về hướng tiếng súng vừa nổ rồi mẹ quay sang nói nhỏ vào tai tôi:
- Tiếng súng từ hướng nhà bác Năm của con!
- Đúng hướng nhà bác ấy!
- Không lẽ.... chuyến vượt biển của ba con đã bị công an phát hiện.!!!
      Nghe mẹ nói, tôi không làm được gì hơn, lầm thầm đọc lời cầu nguyện:
- Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát... Xin Phật Trời phù hộ cho ba tôi được tai qua nạn khỏi!
      Suốt đêm, tôi và mẹ không chợp mắt được, mong đợi cho trời mau sáng để hỏi tin tức ba tôi! Vì tôi còn nhỏ, không sợ công an theo dõi và bắt bớ nên trời mới vừa tờ mờ sáng, mẹ bảo tôi đạp xe đến nhà bác Năm thăm dò tin tức. Tôi vừa đến đầu hẻm vào nhà thì thấy lố nhố những người lối xóm với nhà bác Năm đứng trước quán cafê bàn chuyện với nhau. Một người bạn của ba tôi vừa nhìn thấy tôi, vội đến hỏi:
- Ba mầy còn ở nhà không?
- Dạ! Ba của con đã đi biển tối hôm qua.
     Người bạn của ba tôi thở phào như trút nỗi lo lắng:
- Vậy thì ba con đã vượt biển được rồi.! May quá!
     Ngừng giây lát, bạn ba tôi kể:
- Bác Năm của mầy tổ chức vượt biển! Tối hôm qua những người từ Sài Gòn xuống đây, chờ trời tối để “Taxi” chở ra ghe lớn, nhưng đã bị công an phát hiện và vây bắt. Một số người chạy thoát được, một số bị bắt và có một người bị trúng đạn chết tại chỗ.! Khi nghe tiếng súng nỗ trong đất liền, chiếc ghe của bác Năm mầy đậu ngoài khơi chạy thoát. Trên ghe chỉ có gia đình của bác Năm và ba của mầy. Khi ghe chạy, công an biên phòng bắn nhiều tràn đại liên và đuổi theo nhưng không kịp... Về nói với mẹ mầy tin mừng là ba mầy đã ra khơi an toàn.
      Tôi đạp xe nhanh về nhà báo tin cho mẹ tôi biết. Khi nghe tôi báo tin, trên đôi gò má của mẹ những giọt lệ vui mừng khẻ rơi! Mẹ tôi đến bàn thờ tổ tiên đốt nén hương tạ ơn và khấn nguyện cho gia đình bác Năm và ba tôi đến bờ bến an toàn.
      Đã hơn tháng qua, gia đình tôi vẫn ngóng chờ tin tức của ba tôi. Hàng ngày tôi chạy xe đạp ôm để kiếm tiền phụ giúp mẹ tôi mua gạo và đồ ăn. Thấy tôi mỗi ngày gò lưng đạp xe từ sáng đến chiều, trông hao gầy thể xác nên mẹ dự định mua cho tôi chiếc xe honda cũ để hành nghề “xe ôm”, như theo lời dặn của ba tôi trước khi vượt biển. Nhưng tôi đã từ chối! Tôi nói với mẹ để dành lượng vàng phòng khi có chuyện bất trắc xảy đến gia đình, nhất là bệnh hoạn bất ngờ.
      Một ngày kia, tôi đang chở người khách trên đường đến chợ, tôi đã bị ngất xỉu và được người khách đưa vào bệnh viện cứu cấp. Bác sĩ chẩn đoán nguyên do vì tôi làm việc quá sức và bị thiếu dinh dưỡng! Khi nghe bác sĩ nói về bệnh trạng của tôi, mẹ nhìn tôi ứa lệ, không nói lời nào với tôi rồi quay mặt bước ra về. Tôi đã nằm viện được ba hôm thì bác sĩ cho xuất viện. Ngày xuất viện, mẹ tôi nhờ cậu tư của tôi lên bệnh viện chở tôi về. Trên đường về nhà, cậu tôi vừa chạy xe Honda chầm chậm vừa trò chuyện với tôi. Cậu giới thiệu về chiếc xe của cậu đang chạy, nói về thân phận của những con người trong hoàn cảnh nghèo, nói về sự quí giá sức khỏe của con người.v..v.
       Về tới nhà, vừa bước vào cửa mẹ tôi nắm tay tôi rồi chỉ về hướng chiếc xe Honda của cậu tôi đậu ngoài sân:
- Mẹ đã mua cho con chiếc xe Honda. Kể từ bây giờ con không còn vất vả đạp xe chở khách nữa!
      Tôi hiểu được lòng mẹ thương con nên chỉ đáp khẻ:
- Sao mẹ không để dành tiền, phòng khi gia đình mình hữu sự!
- Con của mẹ khờ quá! Tiền hết thì mình kiếm được nhưng sức khỏe mình khó kiếm lắm con ạ! Vả lại, mẹ làm theo lời dặn dò của ba con trước khi đi vượt biển.
- Con cám ơn mẹ!..
     Kể từ ngày tôi có chiếc xe Honda hành nghề “chạy xe ôm”, tôi cố gắng tìm mối chở khách từ sáng đến chiều tối mới trở về nhà. Thời gian nầy tôi nhận chở hàng cho sạp bán vải ở chợ Phước Tỉnh nên mới có cơ hội quen với Nguyệt, con gái của bà chủ sạp vải, cô làm việc phụ thêm ở bưu điện xã. Thời gian gần gủi với nhau tôi đã có cảm tình thầm kín với Nguyệt, cuộc tình đơn phương và một chiều, mỗi ngày gặp mặt nhau mà không dám nói được lời nào!...
      Hôm nay, một ngày đau buồn nhất đời tôi đã đến, khi tôi nhận được một lá thư đầu tiên từ trại tỵ nạn Pulau Bidong gởi về bưu điện xã Phước Tỉnh. Nguyệt thấy tên người nhận là tên mẹ của tôi nên cô nhận giùm và chuyển cho tôi. Cầm lá thư trên tay tôi ngạc nhiên vì tên người gởi ghi ngoài bì thư không phải tên ba tôi mà là tên bác Năm của tôi. Tôi vội vả mở thư ra đọc, cả một trời trước mắt tôi như sụp đỗ:
* Pulau Bidong ngày...1978
    Thiếm Hai thân mến!
       Thật là một đau đớn khi tôi viết thư nầy báo tin buồn cho thiếm. Ngày chúng tôi vượt biển đã bị bại lộ nên công an biên phòng rượt đuổi theo ghe chúng tôi và bắn nhiều tràng đạn vào ghe. Chú hai lúc đó đang lái ghe, không may đã bị trọng thương! Vì trên ghe không có dụng cụ y tế để cầm máu nên chú hai mất máu quá nhiều và trút hơi thở cuối cùng vào ngày hôm sau! Tôi đã làm một lễ thủy tán cho chú nó, tuy đơn sơ nhưng linh hồn của chú cũng được an ủi với lời hứa của tôi với chú: Chú mầy bình yên ra đi, anh hứa sẽ giúp đở và chăm lo gia đình của em! Cầu nguyện cho linh hồn của em sớm siêu thóat...
       Trước khi ba thằng Truyền tắt thở, chú cũng có nhờ tôi một điều là giúp đở cho thằng truyền một số tiền để cho nó mua chiếc xe-lam chở khách kiếm tiền nuôi sống gia đình.
     Vì vậy, khi thiếm nhận được thư nầy, có địa chỉ của tôi ở ngoài bì thư, nếu gia đình thiếm cần đến tôi giúp đở thì cứ viết thư cho tôi biết.
      Kính thư
      Anh Năm
        Tôi đọc xong lá thư, đứng tần ngần như một người mất hồn vía! Tôi không thể báo hung tin cho mẹ tôi biết ngay lúc nầy, vì mẹ tôi rất thương yêu ba tôi, sợ mẹ tôi bị quẩn trí rồi tính đến chuyện tuyệt vọng. Cả ngày hôm nay tôi không chạy xe đi kiếm khách, cứ ngồi thừ nơi sạp vải của Nguyệt, chờ đến chiều dọn hàng về nhà. Nguyệt thấy tôi có điều gì khác lạ hơn mọi ngày, cô đến bên tôi khẻ hỏi:
- Anh Truyền ! Hôm nay xảy ra chuyện gì mà em nhận thấy anh có cử chỉ khác thường?
      Tôi trả lời khỏa lấp:
- Anh cảm thấy trong người không được khỏe! Chờ dọn hàng cho Nguyệt xong xuôi rồi anh về nhà nghỉ.
- Nếu anh cảm thấy không khỏe thì về nhà nghỉ ngơi, chiều nay em dọn hàng giùm anh.
       Khi tôi được nghe những lời quan tâm của Nguyệt, tôi thấy lòng mình dâng lên niềm hạnh phúc nhỏ nhoi! Một thứ hạnh phúc đến từ những ước mơ và yêu thầm nhớ trộm người con gái đã từ lâu bị biên giới sang giàu làm hố sâu ngăn cách tình yêu của tôi với nàng! Tôi đang suy nghĩ miên man, Nguyệt khẻ bảo tôi:
- Thôi! Hôm nay cuối tuần chúng ta nghỉ bán sớm. Anh dọn hàng về nhà, chờ em ghé trạm y tế mua cho anh thuốc cảm.
      Lần đầu tiên trong đời tôi được Nguyệt quan tâm! Cái cảm giác yêu đương đang len lén vào hồn, xua đi những tự ti mặc cảm của tôi mà bấy lâu nay đã phủ trùm lên thân phận một kẻ nghèo! Tôi đang khệ nệ những túi đệm đựng vải nặng trỉu vào nhà, Nguyệt vừa về tới, dừng xe lại đưa tôi vĩ thuốc Panamax và nói:
- Em vào nhà lấy nước cho anh uống thuốc. Sẳn dịp, em mời anh ở lại ăn cơm tối với gia đình em nha?
     Tôi cảm động và chỉ thốt nên lời:
- Cám ơn em...
      Đã hết một tuần lễ đi qua mà tôi chưa dám cho mẹ biết tin ba tôi đã chết. Hôm nay, sau khi dọn hàng về nhà cho Nguyệt xong xuôi, tôi mở lời mời Nguyệt đi quán cafê để đáp nghĩa lại bửa cơm vừa qua của gia đình Nguyệt. Hai chúng tôi mỗi người chạy một chiếc xe đến quán hẹn. Tôi chọn chiếc bàn nơi góc vườn sau của quán, có khoảng trống trải nhìn ra phía biển và là chỗ vắng vẻ để dể dàng chuyện trò. Lần đầu tiên tôi ngồi đối diện với Nguyệt và quan sát tỉ mỉ. Nguyệt có khuôn mặt trái xoan duyên dáng của người con gái vừa bước qua tuổi dậy thì, còn vương vấn thơ ngây trên đôi mắt sáng quắc, biểu lộ tính thông minh và hoạt bát. Tôi vẫn ngồi yên chiêm ngưỡng! Nguyệt thấy tôi chăm chú nhìn mình, e thẹn nói:
- Em mắc cở lắm khi ai nhìn em!
- Anh xin lỗi, đã làm em mắc cở.
     Nguyệt nói sang chuyện khác:
- Anh có chuyện gì buồn cứ nói ra để cho em chia sẻ?
     Tôi cúi mặt suy nghĩ hồi lâu rồi nói thật chuyện của ba tôi cho Nguyệt nghe:
- Lá thư hồi tuần trước Nguyệt đưa cho anh... Đó là thư báo tin ba của anh đã chết trên đường vượt biển!!!!
- Em chia buồn với anh!
       Dừng giây phút, Nguyệt nhìn tôi hỏi:
- Mẹ anh hay tin buồn nầy chưa?
- Chưa!
- Anh định giấu không cho mẹ anh biết hả?
- Không! Đợi đến lúc nào thích hợp thì anh mới nói cho mẹ nghe. Bởi vì mẹ anh là người vợ yêu thương ba lắm, sợ mẹ bị sốc khi nhận được hung tin rồi tính đến chuyện tuyệt mệnh!
     Chúng tôi không nói gì nữa! Hai người cùng hướng mắt nhìn ra phía biển, trong lòng mỗi người đang suy nghĩ một điều riêng. Với tôi, bổng chốc hình ảnh cuối cùng của ba tôi hiện về.  Hình ảnh khi ba tôi tay xách chiếc giỏ quần áo lủi thủi bước đi vào nhà bác Năm mà không quay lại nói lời giã từ với tôi, vì ba sợ làm lưu luyến cuộc phân ly! Nhớ đến đây, đôi mắt tôi cay xè vì những giọt lệ tự dưng chảy ra, không kềm chế được! Tôi cố nén dòng lệ nhưng cơ hồ nó cứ tuôn trào! Nguyệt thấy vậy, lấy trong ví tay ra chiếc khăn mùi-xoa đưa cho tôi:
- Lau nước mắt đi anh!
- Cám ơn em.
      Hai người vẫn lặng yên nhìn khoảng trời xa xôi phủ trùm đêm đen trên vùng không gian mênh mông của biển cả! Trên đỉnh núi Vũng Tàu, chiếc đèn Hải Đăng vẫn âm thầm quét những vệt sáng dài làm báo hiệu định vị cho tàu thuyền ngoài khơi biết hướng hải hành. Nhìn ngọn hải đăng tôi ước thầm: Phải chi tia sáng dài kia chiếu tận nơi chiếc ghe của ba tôi để nhìn thấy hình ảnh đớn đau của ba khi người hấp hối lìa đời! Tôi thở dài cho ước mơ ảo huyền của tôi, đứng dậy khẻ bảo Nguyệt:
- Khuya rồi! Mình về nhà em nhé.
       Đã mấy tuần trôi đi trong tâm trạng buồn nhớ ba tôi. Chiều nay tôi về nhà sớm hơn mọi khi. Cơm nước xong xuôi tôi đến ngồi bên cạnh mẹ, tôi choàng tay qua vai mẹ rồi khẻ báo tin:
- Mẹ! Ba của con đã chết rồi!
    Mẹ tôi vụt đứng dậy, hốt hoảng hỏi:
- Con nói đùa với mẹ hả?
- Là sự thật mẹ ơi! Cách nay hai tuần con đã nhận được thư báo tin của bác Năm gởi về bưu điện xã Phước Tỉnh!
    Mẹ tôi gào thét lên trách tôi:
- Tại sao con giấu mẹ?
- Vì con sợ mẹ .......
     Mẹ tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, hai tay đập mạnh mặt đất, khóc lớn lên. Tiếng khóc làm xé nát không gian yên tĩnh trong căn nhà nhỏ! Thằng Đạt nghe tiếng khóc của mẹ, nó chạy lại ôm chầm mẹ tôi và khóc theo. Tôi cố gắng vỗ về nỗi đau của mẹ:
- Mẹ ơi! Phần số của ba con đã hết! Đừng khóc, để cho ba con ra đi bình yên!
     Nghe tôi khuyên, mẹ từ từ hết khóc rồi đứng dậy đi đến chiếc tủ trong phòng tìm bức hình ngày xưa của ba trong quân ngũ đưa cho tôi, nói trách:
- Hai tuần nay con không cho mẹ hay tin sớm để mẹ lập bàn thờ và cúng cơm cho ổng. Hơn hai tuần nay chắc ổng đói lắm !
      Nói đến đây mẹ tôi lại khóc lên thành tiếng:
-Hu! Hu!Hu!.. Anh ơi! Sao anh ra đi bỏ lại 3 mẹ con của em bơ vơ!
       Nghe mẹ khóc than, tôi vừa làm bàn thờ cho ba vừa sụt sùi khóc theo! Nhà tôi nghèo không có tủ thờ nên tôi dùng bàn ăn cơm làm nơi thờ phụng cho ba tôi! Tôi dán tấm hình của ba tôi vào tờ giấy cứng rồi đặt tựa vào vách nhà, lấy chiếc lon sửa bò đỗ đầy cát làm lư hương. Tấm hình trên bàn thờ của ba tôi chụp khi còn trong quân ngũ, lúc đó chưa lấy mẹ tôi làm vợ. Mẹ tôi kể lại là bức hình nầy ba tôi chụp lúc mới vào đời lính khi tuổi còn xanh, khuôn mặt trông còn trẻ trung, đứng dưới cây phượng vĩ, mặc bộ quân phục của sư đoàn 18 bộ binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đang cặm cụi làm bàn thờ ba tôi, thình lình Nguyệt bước vào nhà đưa cho tôi nhang, đèn và vài thứ trái cây. Nguyệt phụ giúp tôi đặt trái cây vào đĩa rồi để trên bàn thờ. Mẹ tôi từ nhà bếp mang cơm lên cúng ba, nhìn thấy Nguyệt mẹ tôi hơi ngạc nhiên, gật đầu thay lời chào. Tôi giới thiệu :
- Cô Nguyệt là chủ sạp vải ở Phước Tỉnh. Thời gian qua con chở hàng cho gia đình cô ấy.
      Nguyệt đến bên cạnh mẹ tôi nói lời chia buồn:
- Nghe tin bác trai mất, cháu đến phúng điếu và nguyện cầu cho hương linh của bác trai được sớm siêu thoát...
- Cám ơn cháu đến chia buồn với gia đình của bác...
       Đêm đã về khuya, tôi và mẹ vẫn còn thức. Mẹ tôi ngồi ủ rủ trên chiếc ghế trước bàn thờ, mắt nhìn vào tấm ảnh không rời, như cố đi tìm những kỷ niệm của thời bên nhau với ba tôi, giờ đã ra đi biền biệt phương nào! Thỉnh thoảng mẹ tôi thở dài, kéo vạt áo lên lau khô giọt lệ còn đọng lại khóe mắt. Trên bàn thờ, ngọn đèn dầu bóng nhỏ tỏa ánh sáng leo lét, ẩn hiện mập mờ làn khói từ những cây nhang đang cháy. Nhìn thấy mẹ ngồi bất động thật lâu, tôi đến choàng tay qua vai mẹ khuyên nhủ:
- Trời khuya rồi! Vào giường ngủ đi mẹ! Ba đã chết rồi, nếu mẹ có mệnh hệ gì thì bỏ lại con và em Đạt ai trông coi!
       Nghe tôi nói, mẹ nắm chặt tay tôi ra dấu hiệu bảo tôi đi theo mẹ vào phòng , vừa ngồi xuống giường mẹ hỏi:
- Con quen với cháu Nguyệt bao lâu rồi? Con nhỏ nầy mẹ trông nó cũng xinh gái và lanh lẹ.
     Tôi hiểu ý mẹ muốn tôi và Nguyệt trở thành chồng vợ nên mẹ hỏi tiếp:
- Gia cảnh của Nguyệt chắc thuộc gia đình khá giả hả?
- Dạ! Gia đình của Nguyệt cũng có tiếng tăm làm ăn trong vùng nầy. Ông Tư Thành đó mẹ.
- Ừ! Gia đình thuộc hộ nhà giàu có trong xã Phước Tỉnh.
      Tôi không nói gì thêm về Nguyệt, cúi đầu suy nghĩ. Mẹ tôi nói khuyên:
- Nếu hai đứa có tình cảm với nhau thì con nên nắm lấy cơ hội!
     Tôi nói thật lòng mình cho mẹ nghe:
- Bây giờ con chỉ yêu thầm cô ta! Có lẽ Nguyệt chỉ thương hại con mà thôi! ..
- Làm đàn ông con phải chủ động mới được.
- Chỉ là ước mơ như người đời thường nói: Đỉa đeo chân Hạc !!!!!
      Tôi đứng dậy nói với mẹ:
- Thôi! Trời khuya rồi con ngủ sớm để ngày mai dọn hàng ra chợ cho Nguyệt.
      Tôi đi vào phòng, ngã mình xuống giường mà không chợp mắt được! Trằn trọc thâu đêm! Gần hơn một giờ sau tôi mới đi vào giấc ngủ.
      Ngày lại ngày qua, thắm thoát đã đến lễ cúng cơm một trăm ngày cho ba tôi! Thời gian của ba tháng mười ngày nghĩ lại thật nhanh vô cùng, ví như âm thanh tích tắc của tiếng kêu quả lắc đồng hồ treo tường! Hôm nay khi tôi dọn hàng cho Nguyệt xong, tôi trở về nhà chở mẹ đi chợ mua đồ về nấu vài món làm lễ cúng ‘Tốt khốc’ cho ba tôi. Nghĩa là theo tục lệ cổ truyền Việt Nam, người chết đã được 100 ngày thì thân nhân không còn khóc lóc và thương tiếc nhiều nữa nên mới làm lễ Tốt Khốc! Nguyệt cũng đến phụ bếp với mẹ tôi. Trên bàn thờ dọn vài món đơn sơ: Thịt heo xào đậu đủa, cá chiên, gà xé phai... Mẹ tôi đốt ba nén nhang cắm vào lư hương rồi lầm thầm vái:
- Hôm nay là đúng một trăm ngày, ba thằng Truyền bỏ em và con ra đi không bao giờ trở lại! Anh sống khôn thác thiêng, về phù hộ cho em và con mạnh khỏe, thằng Truyền sớm cưới được người vợ để cho em có cháu hủ hỉ tuổi già...
      Nghe mẹ khấn vái, tôi lén nhìn sang Nguyệt, thấy nàng lộ vẻ thẹn thùng hiện trên đôi má ửng hồng. Tôi đoán biết Nguyệt có cảm tình với tôi, nên khi nghe lời khấn của mẹ, sự nhạy cảm tâm lý đã khơi lên tính mắc cở của Nguyệt. Tôi lấy cơ hội nầy mở lời tán tỉnh:
 - Không biết có ai chịu lấy anh làm chồng hả Nguyệt?
      Nguyệt nghe tôi hỏi bất chợt, ú ớ đáp:
- Anh là thanh niên giỏi dang, chăm lo làm kiếm tiền, là phụ nữ ai mà không muốn chọn làm chồng!
- Nhưng thói đời phụ nữ hay chọn người giàu sang làm chồng để nương tựa tấm thân ngà ngọc!
- Riêng em, đối tượng làm chồng của em phải là mẩu người đàn ông có bản lĩnh và lịch thiệp trong xã giao.
- Như vậy em thuộc giới phụ nữ kén chồng! Bởi vì hai tiêu chuẩn chọn chồng của em vừa nêu ra, có mấy người đàn ông được hội đủ điều kiện!
- Em đã tìm được.
- Là ai?
- Đây là bí mật của em. Rồi có một ngày em cho anh biết, người đó là ai.!!!
      Hai chúng tôi ngồi trò chuyện cho đến khi trời xế chiều Nguyệt mới từ giã ra về. Tôi tiễn Nguyệt ra cửa rồi trở lại vào phòng nằm nghỉ. Tôi nghiêng mình nhìn ra bên ngoài qua khe hở vách nhà, nghĩ ngợi bâng quơ. Chiều nhẹ rơi! Phương tây, những đám mây màu da cam lững lờ trôi về phía trời xa. Thỉnh thoảng vài cánh chim chiều lạc đàn lẻ loi bay về tổ ấm, đôi cánh uể oải cất lên đập xuống, loang loáng dưới ánh nắng ngày tàn. Bầu trời tắt nắng, hoàng hôn đưa chiều nhanh vào tối, mọi nhà lên đèn. Tôi cũng thiếp vào giấc ngủ mỏi mệt!
      Thời gian lặng lẽ trôi đi, mới đây mà tôi với Nguyệt đã quen nhau gần hai năm rồi! Tình yêu giữa chúng tôi vẫn còn ngăn cách bởi định chế gia đình của Nguyệt. Cha mẹ nàng chưa đồng ý cho tôi cầu hôn! Bởi lẽ, tôi là một đứa con của gia đình nghèo, sợ rằng tôi không lo được cuộc sống cho Nguyệt! Và mỗi lần tôi đề cập đến chuyện hôn nhân với Nguyệt thì được cha mẹ nàng đáp lại bằng những hứa hẹn không có con số thời gian: Bác đợi cho con Nguyệt trên hai mươi tuổi mới gả chồng cho nó, chừng nào cháu có sự nghiệp thì hai bác mới chịu gả con Nguyệt cho cháu..v..v...
       Rồi đến một ngày kia, tôi nghe được tin gia đình của Nguyệt đã hứa hẹn kết thông gia với một gia đình Việt Kiều ở Úc. Suốt cả ngày đầu mới nghe tin, lòng tôi như đau thắt và buồn hận. Tôi hận cho mình sinh ra trong gia đình nghèo để giờ đây phải đành lòng mất người mình yêu thương chân thật! Nguyệt hiểu được nỗi lòng của tôi và nàng cũng không làm gì hơn ngoài việc  phải vâng lời mẹ cha làm tròn bổn phận người con và buông xuôi theo quan niệm môn đăng hộ đối. Vì sự mặc cảm của tôi và để tránh thường gặp mặt Nguyệt, tôi xin nghỉ việc chở hàng cho gia đình Nguyệt từ dạo đó.  
       Một hôm tôi đang ngồi uống cafê để chờ khách ở quán cafê gần bưu điện Phước Tỉnh, Nguyệt nhìn thấy tôi và ra dấu hiệu bảo tôi vào bưu điện có thư ở Úc gởi về. Tôi vội vả vào bưu điện lảnh thư. Nội dung lá thư, bác Năm tôi nhắc lại những lời hứa với ba tôi lúc lâm chung nên bác đã gởi về cho gia đình tôi một số tiền lớn để giúp tôi mua một chiếc xe chở khách kiếm tiền nuôi sống cho gia đình. Vì bác tôi cẩn thận nên chỉ ghi bằng ám hiệu trong thư: Cháu Truyền chở mẹ đến nhà ông ngoại của cháu ở số A, đường B, thị xã Vũng Tàu để nhận quà của bác Năm gởi về cho... Tôi chạy vội về nhà báo tin cho mẹ và chúng tôi đi tìm địa chỉ ghi trong thư để lảnh quà. Tôi vô cùng xúc động vì bác Năm đã gởi về cho gia đình tôi số tiền rất lớn, tương đương với 10 lượng vàng trong thời giá hiện tại! Cầm tiền trên tay, mẹ tôi run rẩy vì cảm giác của lần đầu tiên trong đời mẹ tôi có được số tiền lớn đến thế...
      Trở về nhà, hai mẹ con cơm nước xong xuôi rồi vào phòng ngủ ngồi trên giường bàn tính công việc mua xe chở khách theo lời trăn trối của ba tôi. Thằng Đạt em tôi thấy hai mẹ con ngồi thì thào trò chuyện, nó chạy vào ngồi bên cạnh mẹ tôi, nói cà nanh:
- Sao mẹ thương anh hai hơn con!
- Con trách sai mẹ rồi! Mẹ thương con nhất nhà nầy!
      Tôi chợt nhớ ngày ra đi vượt biển của ba tôi, thằng Đạt mong ba về để xin tiền mua chiếc quần Jean, tôi xen vào giải thích sự cà nanh của nó:
- Anh và mẹ đang tính ngày mai đi mua cho em chiếc quần Jean giống như chiếc quần của thằng Cường bên cạnh nhà mà em đã thích!
      Thằng Đạt nghe tôi nói mua quần Jean, nó kề môi hôn vào gò má tôi và mẹ mỗi người một cái:
- Con cám ơn mẹ! Em cám ơn anh hai!
      Sau ba tuần lễ tìm kiếm mua xe, tôi mua được chiếc xe khách loại Daihatsu mười hai chỗ ngồi, chạy tuyến đường Phước Tỉnh-Vũng Tàu. Mua xe xong gia đình tôi còn dư được bốn  lượng vàng! Mẹ tôi dự tính sang một quầy bán tạp hóa trong khu chợ Phước Tỉnh để tăng thêm lợi tức gia đình, hầu dành dụm số tiền cho em tôi sau nầy vào trung học và đại học. Tôi rất tán thành dự tính của mẹ và hai tuần sau đó chúng tôi cũng sang được một chỗ bán tạp hóa trong chợ Phước Tỉnh gần với Nguyệt. Giờ đây, mỗi ngày tôi phải chở hàng ra chợ cho mẹ bán rồi mới đến bến xe đăng ký chuyến tài với hợp tác xã xe khách..
      Đã lâu rồi tôi không gặp mặt Nguyệt, vì tôi bận việc lái xe khách. Sáng nay, tôi đang cặm cụi dọn hàng vào chỗ bán cho mẹ, Nguyệt đến vỗ vai tôi, nói lời chào hỏi xong rồi trách móc:
- Hơn tháng nay em mới gặp mặt được anh.!
- Vì suốt ngày anh bận lái xe chở khách!
       Nguyệt nhìn tôi:
- Tối nay em muốn hẹn anh đi quán cafê, em có chút chuyện muốn nói với anh?
- Anh nhận lời. Mình hẹn gặp ở đâu em?
- Quán cũ, nơi chúng ta lần đầu tâm sự !
        Tôi đến quán cafê sớm hơn Nguyệt và ngồi nơi chiếc bàn trước kia chúng tôi đã bắt đầu cuộc tình. Nguyệt đêm nay mặc chiếc áo kiểu sườn xám ngắn của người Tàu, không trang điểm son phấn nên để lộ nét đẹp tự nhiên của người con gái tuổi xuân thì. Gọi tiếp viên làm nước uồng xong, tôi hỏi Nguyệt:
- Em có chuyện gì muốn nói với anh hả?
- Chuyện tình cảm của chúng ta.
     Nguyệt nhìn tôi với đôi mắt buồn rồi kể:
- Hơn tháng nay! Em và mẹ đã nhiều lần ngồi nói chuyện với ba về sự từ chối cuộc hôn nhân giữa em với anh Tâm, Việt Kiều Úc. Mẹ thì bênh vực cho quyết định của em lấy anh làm chồng. Và cách nay hai hôm, mẹ đã nhắc lại lời hứa của ba em nói với anh lúc trước là: Chứng nào cháu có sự nghiệp thì bác sẽ gả con Nguyệt cho cháu... Giờ đây, anh đã có sự nghiệp nên mẹ khuyên ba phải giữ lời hứa với anh, ba đã gật đầu chấp thuận.
      Nghe Nguyệt trình bày sự việc, tôi khẻ hỏi:
- Em có hối hận khi chọn anh làm chồng không?
- Không đâu anh! Vì em đã nhiều đêm không ngủ để suy nghĩ về cuộc tình của chúng ta. Em biết anh là người có tự ái cao nên mới xa lánh em. Anh thật là tàn nhẩn với em! Anh biết không! Em rất nhớ anh!
        Trong cảm xúc chân thật của yêu thương, đôi mắt ứa lệ, Nguyệt nói tiếp:
- Em là đứa con gái mới biết yêu lần đầu, người em yêu chính là anh. Tuy gia đình anh nghèo, nhưng ở nơi anh cho em một niềm tin và nhận ra được những đặc điểm của một người chồng tốt và bảo đảm đời sống của em.... Mẹ bảo em nói với anh, nhờ người làm mai mối đến gia đình em, ba và mẹ sẽ đồng ý gả em cho anh.!
       Tôi cúi mặt suy nghĩ những lời nói của Nguyệt, đắn đo giây lát rồi khẻ hỏi:
- Em có nghe ba và mẹ dự định khi nào cho phép gia đình của anh mang trầu cau đến xin cưới em không?
- Tối nay về nhà em hỏi lại ba mẹ rồi cho anh biết.
        Trời đã gần khuya, chúng tôi chào nhau ra về. Tôi choàng tay qua vai Nguyệt, nói đùa:
- Em xin cha mẹ đừng đòi hỏi lễ vật nhiều quá, e rằng anh không có đủ tiền để cưới em...
- Vậy thì cho anh ế vợ suốt đời!
        Thế là hai tuần sau mẹ tôi nhờ chú Tám cạnh nhà làm mai mối cho tôi xin cưới Nguyệt. Cha mẹ  của Nguyệt cũng hiểu được hoàn cảnh gia đình tôi nên chỉ yêu cầu làm lễ dạm ngỏ và lễ cưới, miễn cho mẹ tôi làm lễ ăn hỏi. Ngày lễ dạm ngỏ, nhà trai đi qua nhà gái có vài người trong thân tộc: Mẹ, cậu mợ tư tôi và ông bà mai mối. Sính lễ mang đến nhà gái gốm có: Mâm trầu cau, mâm trà rượu và tư trang. Gia đình tôi đơn chiếc nên cần thời gian dài cho tiện việc sắp xếp lễ cưới, ông mai đại diện gia đình tôi xin cha mẹ Nguyệt chấp thuận cho tôi một năm sau mới tổ chức đám cưới.
       Kể từ sau ngày làm lễ dạm ngỏ, tôi được gia đình Nguyệt xem như con rể trong nhà, tôi thường tới lui phụ giúp việc nhà với Nguyệt. Sáng chở hàng cho mẹ và bên vợ ra chợ, chiều dọn hàng về. Hai thông gia mỗi ngày mỗi lúc trở nên tình thân thắm thiết, đôi bên đều hảnh diện với bà con lối xóm có được dâu hiền rể thảo. Phần tôi, hằng ngày cố gắng đi tìm khách hàng để chở thêm kiến tiền chuẩn bị cho ngày đám cưới của tôi và Nguyệt sắp tới..
      Còn hơn tháng nữa đến ngày làm đám cưới chúng tôi. Nguyệt và tôi đã gởi thiệp mời xong xuôi đến bà con lối xóm, dòng họ hai bên. Sáng sớm hôm nay tôi đưa Nguyệt ra bến xe Vũng Tàu để đi Sài-Gòn mua những mẩu vải mới ra thị trường về bán chợ Phước Tỉnh và sẳn dịp Nguyệt đặt may chiếc áo cưới cho nàng trong ngày hôn lễ. Tôi vừa ngừng lại nơi cổng vào bến xe, Nguyệt khẻ đề nghị:
- Còn hơn một giờ nữa xe mới chạy. Em đến mua vé và chúng ta ngồi uống cafê chờ đợi nhe anh.?
- Vâng! Em đi mua vé, anh ngồi vào bàn gọi café.
       Bến xe Vũng Tàu còn sớm nên hành khách thưa thớt, những quán cafê mới vừa mở cửa và nổi lửa nấu nước. Gió lành lạnh từ biển thổi vào làm cho tôi khoanh tay trước ngực để giữ ấm. Nguyệt ngồi bên cạnh tôi cầm chiếc muỗng quậy ly cafê, đưa mắt nhìn vào khoảng không gian xa xôi và như đang suy nghĩ một điều gì trong lòng. Nguyệt quay sang khẻ hỏi tôi:
- Nếu sau nầy tình ta dang dỡ, kỷ niệm nào anh nhớ mãi khi chúng mình bên nhau.?
       Tôi ngắt lời Nguyệt:
- Tình của chúng mình không bao giờ tan vỡ! Sao em suy nghĩ vẩn vơ?
- Em chỉ nói suông miệng thôi mà!
    Tôi đánh yêu vào má của Nguyệt:
- Anh nhớ nhiều nhất là kỷ niệm lần đầu của buổi tối đi quán cafê, anh nói tiếng yêu em. Và nhất là khuôn mặt trái xoan của em, ẩn nét duyên dáng diu hiền.
- Em cũng vậy! Hôm ấy anh nói tiếng “yêu”, nó đã dẫn em vào khu vườn hạnh phúc tuyệt vời!..
       Rồi Nguyệt đứng dậy, vẫy tay ra hiệu với tôi:
- Tới giờ xe khởi hành. Em đi nha anh.
- Thượng lộ bình an!
        Không hiểu sao cả ngày hôm nay, lòng tôi dâng lên nhiều nỗi lo âu và có linh cảm những điều gì không lành xảy đến với tôi. Ngồi chờ đợi đến thứ tự xe xếp tài xuất bến, đầu óc tôi cứ lãng vãng những nghĩ suy về lời nói của Nguyệt sáng nay. Những ý nghĩ lần lượt trở về trong đầu óc tôi, có những ngày tháng tôi đã đơn phương yêu thầm nhớ trộm Nguyệt. Và cảm giác khi được Nguyệt đáp lại tình yêu với tôi!... Tôi đang suy nghĩ , bổng mẹ tôi chạy hớt hải đến tìm, chưa đến bên tôi mẹ lớn tiếng gọi:
- Truyền ơi! Con Nguyệt bị tai nạn xe, đã chết rồi!
       Nghe như tiếng sấm bên tai, tôi hốt hoảng hỏi lại:
- Mẹ nói sao! Vợ con đã chết!
    Mẹ tôi vừa khóc tức tửi vừa kể lể:
- Tội nghiệp con Nguyệt! Chưa nấu cho mẹ được một chén cơm, ly nước! Nó bỏ mẹ ra đi rồi!
- Nguyệt giờ ở đâu hả mẹ?
- Bệnh viện Vũng Tàu.
      Tôi lái xe chở mẹ chạy nhanh đến bệnh viện tìm Nguyệt. Trước mắt tôi, thân xác Nguyệt phủ tấm vải trắng nằm im lìm trong căn phòng giữ xác của bệnh viện. Tôi nhẹ tay kéo tấm vải phủ xác sang một bên, nhìn mặt Nguyệt! Nàng nhắm mắt, bất động như một người đang ngủ. Khuôn mặt trái xoan mà tôi yêu thương trong lần đầu gặp nhau, còn đọng lại vết máu khô chảy ra từ vết thương chí mạng trên đầu! Tôi điếng cả người nên tự nảy giờ mắt tôi không rơi giọt lệ nào than khóc cho Nguyệt! Mẹ vợ tôi ngồi bên cạnh đứa con, gào khóc và kể lể về đứa con hiếu thảo của mình, khiến cho tôi không cầm được lòng, nước mắt tuông rơi chảy dài trên đôi má . Tôi quay mặt bước ra khỏi phòng, kéo vạt áo lau khô nước mắt rồi đi đến phòng hành chánh của bệnh viện làm thủ tục chở xác Nguyệt về nhà.
       Hôm nay là ngày chôn Nguyệt! Quan tài được mang đến nghĩa trang bằng chiếc xe chở khách của tôi. Có chừng hơn hai mươi người thân và bạn bè đưa tiễn Nguyệt đến nghĩa trang. Tôi ngồi ghế trước với tài xế, hai tay cầm tấm hình khổ lớn của Nguyệt! Tấm hình nầy của Nguyệt được chụp trong ngày lễ dạm ngỏ cách nay gần một năm. Nguyệt mặc chiếc áo sườn xám dài tay màu hồng nhạt, miệng nở nụ cười tươi thắm! Ngồi trong xe từ nhà đến nghĩa trang, tôi nghe lời kinh Phật tụng niệm đưa hồn người chết, phát ra từ chiếc casset nghe buồn nảo nuột! Lời kinh Phật vừa hết là bản nhạc Cát Bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gieo vào lòng tôi nỗi buồn phù du nhân thế:
* .... Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi .
        Để một mai tôi về làm cát bụi .
       Ôi cát bụi mệt nhoài .
       Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi . ...
       Xe chở quan tài dừng lại nơi lối vào nghĩa trang. Hai tay tôi cầm tấm hình của Nguyệt đi trước, theo sau tôi là chiếc quan tài. Tiếng khóc than của thân nhân làm xé tan không gian yên tĩnh của nghĩa trang buồn! Chiếc quan tài của Nguyệt đặt bên huyệt mộ, thầy chùa làm lễ tụng kinh tiễn vong cho Nguyệt. Tụng kinh xong, quan tài từ từ hạ xuống huyệt sâu, tôi lấy bó hoa cúc trắng thả xuống chiếc quan tài như phủ kín cuộc tình của tôi với Nguyệt mãi mãi ngủ yên trong lòng đất. Tôi khẻ nói:
- Vĩnh biệt em!
     Mọi người tiễn đưa Nguyệt ra về, chỉ còn vài người thân của gia đình tôi ngồi trước nấm mồ vừa mới đắp đất xong, lưu luyến trong lòng nỗi biệt ly! Tôi đứng dậy, quay mặt bước đi! Bổng chốc những lời thơ của thi sĩ Nguyễn Bính bay theo gió trở về làm cho lòng tôi như tan nát, lệ rơi nhạt nhòa:
Tôi đưa nàng đến nghĩa trang này
Nàng đến đây rồi ở lại đây
Ừ nhỉ, hôm nay là mấy nhỉ
Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay!

Adelaide tháng 6/2012.

     
    Dương Đại Trường